Âm thầm chăm lo bữa ăn, sức khỏe cho hàng trăm người
Trong khu bếp tập thể ở cư xá dành cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) Lilama 69-1 tại các dự án thuộc cụm công nghiệp xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, không khó để bắt gặp hình ảnh các cô, các chị làm việc cần mẫn trong hoạt động chăm lo bếp ăn để có những bữa cơm ngon cho CBCNV sau những giờ làm việc vất vả. Tại đây nhóm phụ trách bếp ăn có 14 người do chị Nguyễn Thị Nhụy làm quản lý, chia ca làm việc để đảm bảo bữa ăn luôn sẵn có cho anh, em công trường.
Các cô, các chị nhà bếp miệt mài làm việc
Ngày nào cũng vậy, khi mọi người vẫn còn say giấc ngủ, các cô, các chị bắt đầu công việc của mình từ 4 giờ sáng để kịp chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong ngày- bữa ăn không đòi hỏi sự cầu kỳ nhưng cần đủ dưỡng chất để mọi người bắt đầu ngày làm việc tràn đầy năng lượng. Tôi ở đó, lần đầu tiên, hòa mình trong hoạt động ăn sáng nơi đây - thấy rõ tác phong công nghiệp, cảm nhận sự thuần thục, chuyên nghiệp trong từng động tác nhỏ của mỗi người, đủ để thấy như một thói quen gắn với họ tự bao giờ. Người ăn không cần hỏi, người nấu không cần nói, họ nhìn và dành cho nhau nụ cười vào buổi sáng ban mai như những người thân trong gia đình. Sau khi các CBCNV ra công trường làm việc lúc 6 giờ, không gian cư xá và khu bếp trở lên yên tĩnh, đó mới là lúc những người phụ trách bếp ăn sáng, dọn dẹp và bắt đầu chuẩn bị cho bữa trưa để những người thợ lắp máy Lilama 69-1 trở về lúc 11 giờ có sẵn mâm cơm trưa sau ca làm việc vất vả. Khi tất cả mọi người chìm vào giấc nghỉ trưa để lấy lại năng lượng cho công việc buổi chiều mới là lúc các cô, các chị dùng bữa, âm thầm dọn dẹp bếp ăn thật ngăn nắp, gọn gàng để tiếp tục cho hoạt động chuẩn bị bữa tối. Thường thì bữa tối là lúc các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian quây quần, trò chuyện rôm rả. Căn bếp tập thể trở lên đầm ấm hơn, bữa cơm do các cô, các chị đầu bếp chuẩn bị chính là yếu tố để mọi người xích lại gần nhau, tạo niềm vui đơn giản và ý nghĩa mỗi ngày cho những người xa quê, về đây tụ họp thành một gia đình.
Không chỉ những anh em được ăn tại nhà bếp mà ngay những anh em phải ở lại công trường làm việc thêm giờ buổi trưa hay buổi tối theo yêu cầu của tiến độ công việc, cũng cảm nhận được những tình cảm, tấm lòng và sự đầm ấm mà các cô, các chị nhà bếp gửi ra công trường qua những suất ăn ca. Bất cứ khi nào, dù anh em công nhân làm việc đêm hay ngày, làm một ca hay ba ca thì các cô, các chị cũng luôn luôn thường trực, sẵn sàng phục vụ anh em làm việc ngoài công trường để có đủ sức lực hoàn thành nhiệm vụ. Chưa kể đến những bữa ăn nhanh, ăn tạm dù chỉ là cái bánh mỳ và hộp sữa, nhưng cũng là ngồn động lực để quên đi cái đói, cái nhọc, sẵn sàng để cống hiến cho công việc. Cảm thấy rõ điều đó trong những ngày tôi được ăn, ngủ tại đây, nên tôi hình dung các cô, các chị như những người phụ nữ "giữ lửa" gia đình - một gia đình đặc biệt với hàng trăm thành viên. Họ kết thúc ngày làm việc của mình thường vào lúc 10 giờ đêm, tạm rời xa góc bếp nhỏ để ru mình trong giấc ngủ yên bình.
Trong cảm nhận của mình, tôi thấy họ đôn hậu, gần gũi và thân quen đến lạ, bởi họ nào đâu có khác những người mẹ tần tảo chăm lo cho bữa cơm gia đình hàng ngày. Tôi đến gần họ để thấy được nụ cười, những câu nói vui, nỗi mệt nhọc vất vả như thể tan biến và tôi chợt hiểu một điều những nhọc nhằn của họ đã kết tinh thành "gia vị đặc biệt" trong các món ăn - dù không phải sơn hào hải vị nhưng thắm đượm cái tình và tâm huyết của những người làm ra chúng. Trong số họ có những người xa quê về đây gắn bó với bếp ăn công trường, có những người ở địa phương sớm khuya đi làm để mưu sinh cho cuộc sống. Sau những mưu sinh ấy vẫn là sự âm thầm, cố gắng chăm lo đời sống, đảm bảo sức khỏe cho CBCNV Lilama 69-1 vì thế với họ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, và đa dạng trong cách chế biến luôn là tiêu chí hàng đầu họ đặt ra. Trong số họ, tôi đặc biệt quan tâm đến chị Nguyễn Thị Nhụy - người quản lý bếp ăn có câu chuyện đời đầy xúc động.
Nữ bếp trưởng tận tâm - "Bông hoa xương rồng nở trên sa mạc"
Trong chuyến đi trước tôi đã được gặp, trò chuyện cùng chị, và nghe những câu chuyện về chị nhưng tôi để dành những câu chuyện đó, chờ gặp chị thêm lần nữa, gần và cảm chị nhiều hơn. Người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn ấy dường như ít bị thời gian và thăng trầm của cuộc sống tác động đến - chị trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 42 của mình - khiến tôi ngỡ ngàng trong lần gặp đầu tiên, và ngạc nhiên trong lần gặp thứ 2 - chị là Nguyễn Thị Nhụy, sinh năm 1974, đến từ Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Tôi ví chị như "bông hoa xương rồng nở trên sa mạc" - một loài hoa mà tôi rất thích bởi vẻ đẹp và ý nghĩa của nó. Chị cũng vậy, mạnh mẽ mà giàu tình cảm, cứng rắn bên ngoài nhưng rất đỗi dịu dàng từ bên trong. Cuộc sống không ưu ái với chị khi đã cướp đi người chồng chị rất mực yêu thương trong lúc tuổi đời còn trẻ. Lần này tôi ngồi bên, nghe chị kể lại, chị không khóc như lần trước, chỉ thoáng dấu nỗi buồn vào trong nhưng tôi vẫn cảm nhận được: "Năm 1997, chồng chị - anh Khổng Văn Ký, đã mất trong một tai nạn, lúc đó anh là một thành viên của Lilama 69-1, đang công tác tại dự án xi măng Hòn Chông (Kiên Giang) và con trai của anh chị mới được 4 tuổi." Chị lặng người một lúc, dường như 18 năm trôi qua cũng giúp chị bình tâm hơn chút khi nhắc về nỗi đau đó, chị nén nước mắt lại, biến nó thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn.
Theo dõi sổ sách là hoạt động hàng ngày của chị Nhụy
Con trai chính là động lực để chị cố gắng, đối với một gia đình công nhân không mấy dư dả, chị phải thay anh gánh vác mọi việc, nuôi con ăn học. Lilama 69-1 đã tạo điều kiện để chị vào Công ty làm việc trong vai trò đầu bếp, nấu ăn tại các công trường. Cuộc sống mưu sinh buộc chị phải chấp nhận xa con để đi làm, lo cho con ăn học. Mất chồng, xa con dường như là một nỗi đau quá lớn đối với một người phụ nữ, nhưng chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn. Chị cứ âm thầm cố gắng, dồn hết tâm trí vào công việc để bớt suy nghĩ hơn. Với chị, ban đêm là thời gian đáng ghét nhất bởi nó trả chị về với nỗi đau tột cùng, chị nghẹn ngào tâm sự: "Thời gian mới vào Công ty làm, tối nào cũng vậy, chị ra một góc công trường để ngồi khóc bởi chị không muốn mọi người xung quanh phải lo lắng." - Có lẽ đó là cách chị chọn để vượt qua nỗi đau - âm thầm và một mình, chị mạnh mẽ là thế, cứng rắn là vậy - như loài xương rồng tự vượt qua khô cằn, cát bụi của sa mạc.
Rất nhiều người chia sẻ với tôi rằng, sự đảm đang, giàu lòng vị tha, tình cảm và nét đẹp của chị đã làm rung cảm bao trái tim của những người muốn yêu thương, che chở và chăm sóc cho chị sau này, nhưng vì thương con, dành trọn tình cảm cho người chồng đã mất, chị không đành lòng đi bước nữa dù rằng ai cũng khuyên, ủng hộ, và mong chị tìm lại hạnh phúc. Chị cứ thế nuôi con một mình vượt qua chặng đường bao gian khó đến nay đã gần 18 năm. Đó cũng là số thời gian chị gắn bó với Lilama 69-1 kể từ khi bắt đầu vào làm việc từ năm 1999, là người phụ nữ duy nhất gắn bó với các bếp ăn tập thể của 11 công trường, dự án: Xi măng Nghi Sơn, nhiệt điện Phả Lại, Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hải Phòng, nhiệt điện Uông Bí, xi măng Cẩm Phả, xi măng La Hiên, xi măng Quán Triều, nhiệt điện Nông Sơn, nhiệt điện Mông Dương. Hiện nay, chị là bếp trưởng, quản lý bếp ăn tập thể tại ban dự án nhiệt điện Thái Bình.
"Sao chị lựa chọn làm việc và gắn bó với Lilama 69-1?" - Tôi hỏi.
"Đó là vì mưu sinh cuộc sống, chị phải nuôi con, mong cho cháu được học hành nên người. Hơn nữa Lilama 69-1 là nơi chồng chị đã từng làm việc và cống hiến, chị muốn thay anh ấy đi tiếp con đường sự nghiệp còn dang dở trong ngành lắp máy. Đặc biệt, trong những ngày khó khăn nhất, Công ty đã bao bọc, tạo điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ gia đình chị rất nhiều, bởi vậy chị cũng muốn làm việc để thể hiện sự biết ơn đối với Công ty."- Trong lời tâm tình nhẹ nhàng của chị có một sự quyết tâm đến lạ…!
Có lẽ vì những lý do đó, chị đã dồn hết tâm huyết của mình vào từng công việc dù là nhỏ nhất. Năm nào chị cũng được nhận giấy khen, thường xuyên được nhận danh hiệu nữ lao động tiên tiến của Công ty, và bằng khen giỏi việc nước, đảm việc nhà của Tổng Công ty. Chị cười nhẹ trả lời:"Không nhớ" khi tôi hỏi chị vinh dự nhận được tổng bao nhiêu bằng khen, giấy khen rồi? - Tôi biết chị khiêm tốn và không thích nói nhiều về mình, nhưng những gì chị làm, cống hiến thì hầu như ai cũng biết, yêu mến, và công nhận, như chia sẻ của anh Phạm Thanh Hoàng - Quản lý hành chính tại ban dự án nhiệt điện Thái Bình: "Có thể nói chị Nhụy là người nữ đầu bếp duy nhất gắn bó với Công ty gần 20 năm, người quản lý bếp ăn tốt nhất cho đến nay, có kinh nghiệm, tâm huyết và trình độ." Với anh em công nhân, chị là người thân thiện, hòa đồng, tận tâm với từng bữa ăn dành cho họ.
CBCNV quây quần trong bữa ăn tập thể
Từ công trường trở về, tôi mang theo hình ảnh về chị Nhụy và những người cô, người chị chăm lo bếp ăn công trường. Qua những câu chuyện về họ, tôi trân quý hơn nghị lực và niềm tin vào cuộc sống của những người có đường đời lắm chông gai. Họ âm thầm chăm chút từng bữa ăn, trở thành hậu phương vững chắc cho các kỹ sư, công nhân xông pha ra công trường vì sự phát triển chung của Lilama 69-1.
Vũ Quyên