Trong ngôi nhà chung Lilama 69-1 với hơn 3.600 thành viên, có một người cán bộ tận tâm, đầy nhiệt huyết sáng tạo và truyền cảm hứng yêu lao động cho các thành viên khác. Điều đặc biệt, đó là người đi lên từ một công nhân lao động bình thường, trải qua bao nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, đến nay anh đã trở thành một kỹ sư giỏi, một đội trưởng nhận được sự yêu mến và kính trọng của mọi người – đó chính là anh Trần Xuân Long – người đã gắn bó với gia đình Lilama 69-1 hơn 17 năm.
Đi lên từ một người công nhân
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật Lắp máy 1, chuyên ngành ống, anh Trần Xuân Long sinh năm 1976, đến từ Quế Võ, Bắc Ninh đã chọn Lilama 69-1 là nơi để khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm và thể hiện năng lực của bản thân. Thấm thoắt đã 17 năm trôi qua, người công nhân ấy, nay đã trở thành một kỹ sư giỏi, một cán bộ mẫu mực và một tấm gương sáng trong ngôi nhà chung Lilama 69-1. Anh là ví dụ điển hình để chứng minh cho mọi người thấy rằng thành công có thể đến với bất cứ ai có sự tận tâm, sáng tạo và sẵn sàng chia sẻ.
Bước chân vào Lilama 69-1, dự án đầu tiên anh tham gia là Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 với vai trò là công nhân. Trong suốt 04 năm thi công tại dự án, mọi đức tính tốt đẹp anh sở hữu hiện lên thật rõ ràng, đó là một Trần Xuân Long chịu thương, chịu khó, tận tâm, khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, luôn sáng tạo và có ý chí vươn lên. Dự án đầu tiên kết thúc thành công cũng là lúc anh được tín nhiệm đề bạt làm tổ trưởng lắp đặt thiết bị lò hơi cho các dự án Nhiệt điện Na Dương, Nhiệt điện Uông Bí và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ năm 2003 đến 2008. Với những nỗ lực cống hiến và kết quả đạt được trong quá trình làm việc, anh liên tục được giao vị trí đội phó và đội trưởng lắp đặt ống áp lực lò hơi tại các dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Nhiệt điện Mông Dương 1 kể từ năm 2010 cho đến nay. Đặc biệt, vừa làm việc vừa không ngừng học tập, anh đã tốt nghiệp đại học và chính thức trở thành kỹ sư vào năm 2013 trước sự khâm phục của đồng nghiệp và những người xung quanh. Thậm chí anh còn là một trong số ít người được Công ty cử sang Nhật tham gia khóa đào tạo 03 tháng về công tác đấu ống và hàn ở những vị trí khó.

Khi được hỏi về anh Trần Xuân Long, bất cứ ai đã từng gắn bó, cùng làm việc đều dành cho anh một sự quý mến đặc biệt. Tất cả mọi người đều thừa nhận anh là người rất có trách nhiệm với công việc, sẵn sàng chia sẻ, khiêm tốn và sáng tạo. Với bất cứ kinh nghiệm hay sáng kiến nào anh đưa ra đều được chia sẻ cho bất cứ ai muốn học hỏi. Thậm chí các đồng nghiệp vẫn thường nói những anh, em công nhân nào được làm việc cùng anh đều tiến bộ nhanh và trở thành những người thợ, người cán bộ giỏi. “Anh Long chẳng mấy khi nóng nảy, thường xuyên nhẹ nhàng nhắc nhở, chia sẻ, giúp đỡ chúng tôi trong công việc. Anh là một người rất hòa đồng và luôn được mọi người yêu mến, kính trọng”: những công nhân làm việc cùng anh cho biết. Những kiến thức, kinh nghiệm và cả những kỷ niệm sau khóa đào tạo tại Nhật Bản đều được anh chia sẻ với tất cả mọi người. Kỹ sư Vũ Hải Đăng, người đã từng có thời gian ở cùng anh tại công trường chia sẻ: “Ngay cả những người không thuộc tổ, đội của anh Long, nhưng khi nhờ anh giúp đỡ, tư vấn thì luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình”.
Đối với cấp dưới, bạn bè, hay đồng nghiệp có một Trần Xuân Long đáng mến, đáng kính như vậy. Còn đối với cấp trên anh thực sự là một người đáng tin cậy. Phó tổng giám đốc Phạm Thế Kiên người mà anh Long đã từng gắn bó qua rất nhiều dự án cho biết: “Long là một trong những tổ trưởng lắp đặt thiết bị lò hơi tốt nhất của Lilama 69-1, là người mẫu mực, chuẩn chỉ cho công nhân quý trọng và lãnh đạo tin tưởng”. Phó tổng giám đốc cho biết thêm mỗi khi giao việc cho anh Long mọi người rất yên tâm, cho dù khó khăn, thách thức ra sao anh luôn tìm tòi, nghiên cứu tìm ra các biện pháp kỹ thuật thi công tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.
Anh luôn là đại biểu điển hình tiên tiến, đại diện cho Lilama 69-1 nhận được bằng khen của Bộ Xây Dựng, của Tổng Công ty. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất dành cho anh là tình yêu của các đồng nghiệp, anh, em trong ngôi nhà Lilama 69-1. Không ai có thể phủ nhận sự kính trọng, khâm phục và niềm tin vững chắc dành cho một Trần Xuân Long tận tâm, sáng tạo. Chính sự sáng tạo của anh đã góp phần làm lợi cho Công ty tại bất cứ dự án nào mà anh tham gia.
Luôn trăn trở để cải tiến các biện pháp thi công
Khi tìm hiểu các sáng kiến cải tiến kỹ thuật thi công trong toàn Công ty, có rất nhiều ý tưởng sáng tạo của anh Long đã được áp dụng có hiệu quả tại một số dự án. Khi được hỏi để chia sẻ về những cải tiến đó, anh thật sự khiêm tốn khi tâm sự rằng để có được những thành công đó, anh đã trải qua một số những sai lầm trong quá trình làm việc trong những năm đầu tiên vào Công ty. Anh nhấn mạnh rằng: “Tôi nhắc đến những sai lầm chỉ muốn dẫn chứng rằng để có được kinh nghiệm hay các sáng kiến thì đều phải xuất phát từ thực tế làm việc mới có”. Ở anh người ta cảm nhận thấy rõ sự chân thành và thẳng thắn. Hẳn giống như bao tấm gương điển hình khác, anh muốn khẳng định “thất bại là mẹ thành công”, đằng sau những kết quả đạt được là cả một quá trình cố gắng, cống hiến và nỗ lực của bản thân, cũng như sự quan tâm, tin tưởng của ban lãnh đạo và tất cả mọi người trong ngôi nhà chung Lilama 69-1.
Anh Long cho biết, những bài học kinh nghiệm rút ra từ chính những sai lầm đó, cùng với sự hướng dẫn của cấp trên, anh đã đưa ra một số sáng kiến cải tiến biện pháp thi công mà anh gọi đó là những việc “làm mãi thành quen”, khi gặp khó khăn thì trăn trở, suy nghĩ làm sao rút ngắn thời gian thi công, giảm nhân công và phương tiện, máy móc. Cho đến nay, những biện pháp cải tiến đó vẫn đang được sử dụng hiệu quả tại các công trình Lilama 69-1 đã và đang thi công.
Năm 2005, khi lắp đặt lò hơi tại dự án nhiệt điên Uông Bí mở rộng (1x300MW), với tấm panel có chiều dài 20m và rộng 3m trọng lượng 10 tấn, việc móc cáp và tháo cáp cẩu lật vô cùng khó khăn nếu không sử dụng thêm 01 cần cẩu để cẩu người lên tháo cáp. Như vậy, khi lật vách lò cần sử dụng tới 03 cần cẩu (bao gồm 01 cần cầu 600 tấn và 02 cần cẩu 50 tấn). Vì muốn giảm bớt 01 cẩu 50 tấn, anh Long đã tính toán làm sao phải móc cáp vào tấm vách. Vì muốn giảm bớt 01 cẩu 50 tấn, anh Long đã tính toán áp dụng thành công biện pháp sau: Các tai cẩu tạm được hàn vào vách lò trước. Móc cáp vào tấm vách sau khi cẩu lật vách từ song song mặt đất đến 900 đưa vào vị trí gá tạm, dùng chốt tạm có thể giật ra khi đưa vách lò vào vị trí bằng dây thừng mà không cần sử dụng cẩu 50 tấn cẩu người lên tháo cáp cẩu. Lãnh đạo Công ty đã trực tiếp xuống công trường theo dõi quá trình thực hiện và đánh giá đây là biện pháp hiêu quả về kinh tế và đảm bảo an toàn cho thiết bị. Sau đó, biện pháp này tiếp tục được áp dụng cho hoạt động lắp đặt lò hơi 600 MW tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Từ năm 2011-2013, tham gia thi công tại dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1, anh Long được giao nhiệm vụ lắp đặt 02 lò hơi. Thời điểm đó anh trăn trở, hàn các tai mã để móc cáp vào vách lò thì mất rất nhiều thời gian công sức mới cẩu lắp được, hơn nữa khi lắp đặt xong phải bắc giàn giáo để cắt tầy các tai mã này, dẫn đến tốn kém về nhân lực và kéo dài thời gian thi công, khó đáp ứng được tiến độ mà chủ đầu tư giao cho. Một lần nữa, anh lại suy nghĩ đến việc cải tiến biện pháp thi công sao cho phù hợp với thực tế. Thế là một ý tưởng mới lại xuất hiện đó là: gia công một bộ đòn gánh chỉ việc quàng cáp qua các tấm vách lò, một đầu của sợi cáp được khóa cố định bằng mã ní, đầu còn lại thì gài chốt để khi dựng được tấm vách lò nên chỉ cần dùng dây thừng được buộc vào một đầu của chốt dật xuống là cáp thép tự dời ra mà không cần phải tác động thêm một động tác nào nữa. Biện pháp này hiện các công ty trong Tổng công ty Lilama đều học hỏi và áp dụng cho hoạt động lắp đặt lò hơi tại các dự án Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Thái Bình 1.
Với những sáng tạo, kinh nghiệm và niềm tin gây dựng được, anh Long tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của cấp trên khi được giao nhiệm vụ lập biện pháp thi công lắp đặt lò hơi nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhiệt điện Thái Bình 1. Lần này, anh trăn trở đến việc cắt giảm chi phí ca cẩu. Vì lắp áp lực cần phải sử dụng cần cẩu 600 tấn với chi phí khoảng 75 triệu/1 ca 8 tiếng. Với nhiều năm thi công lắp đặt lò hơi của nhiều dự án nhiệt điện đốt than, lần này anh mạnh dạn nghĩ đến phương án thay cẩu 600 tấn bằng hệ thống tời thủy lực chạy bằng điện được đặt trên hệ thống dầm tạm, đặt trên các con lăn hay còn gọi là (Rùa) có thể kéo chạy dọc lò từ trái qua phải cho nên có thể di chuyển tời đến bất cứ vị trí nào cần kéo. Ưu điểm của tời là tổ múp nhỏ gọn có thể luồn qua các khe nhỏ mà không cồng kềnh như mỏ cẩu, chủ động về thời gian, giá thành đầu tư và sử dụng thấp. Thấy biện pháp có hiệu quả cho nên năm 2014, đồng chí Ngô Phú Phong - Trưởng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã thống kê, tính toán và kết quả là sử dụng biện pháp tời giúp giảm chi phí gần 4.5 tỷ đồng cho Công ty so với sử dụng cần cẩu. Biện pháp cải tiến này đã được Ban lãnh đạo Công ty đánh giá cao và Ban thi đua khen thưởng của Lilama 69-1 trích quỹ khen thưởng cho tập thể dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng như cá nhân anh Trần Xuân Long. Biện pháp này đang tiếp tục được áp dụng tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 1.
Hẳn là ai cũng muốn biết lý do và động lực nào mà anh Trần Xuân Long lại luôn cố gắng phát triển bản thân không ngừng nghỉ, luôn sẵn sàng cống hiến cho tập thể và được mọi người yêu mến đến vậy? Qua tâm sự dưới đâycủa anh, có lẽ ai cũng chắc chắn rằng không phải bỗng dưng lại có một Trần Xuân Long như thế: “Khi nghiên cứu, tìm ra các biện pháp cải tiến, tôi luôn có suy nghĩ rằng đối với những người công nhân trực tiếp thi công, bớt đi các đầu mục công việc mà trước kia họ phải làm đồng nghĩa với việc đẩy nhanh tiến độ, lương của họ sẽ cao hơn, tôi sẽ cảm nhận được niềm vui thể hiện trên khuôn mặt của anh, em khi gặp họ trên công trường cũng như ngoài đường”.
Có một Trần Xuân Long như thế trong ngôi nhà Lilama 69-1, một người luôn sống và làm việc vì mọi người!
Vũ Quyên